Nhân khẩu Thụy_Sĩ

Mật độ dân số tại Thụy Sĩ (2019)

Năm 2012, dân số Thụy Sĩ vượt qua tám triệu. Tương tự như các quốc gia phát triển khác, dân số Thụy Sĩ gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ công nghiệp hóa, tăng bốn lần từ năm 1800 đến năm 1990. Tăng trưởng từ đó ổn định, và như hầu hết châu Âu, Thụy Sĩ hiện phải đối diện với kết cấu dân số lão hóa, song được dự báo tăng trưởng liên tục hàng năm cho đến năm 2035 phần lớn là do nhập cư và tỷ suất sinh gần đến mức thay thế.[134]

Tính đến năm 2012[cập nhật], cư dân là người ngoại quốc chiếm 23,3% dân số, một trong các tỷ lệ cao nhất tại thế giới phát triển.[135] Hầu hết trong số họ (64%) đến từ Liên minh châu Âu hoặc các quốc gia EFTA.[136] Người Ý là dân tộc đơn lẻ lớn nhất trong số người ngoại quốc với tỷ lệ 15,6% trong nhóm này, tiếp đến là người Đức (15,2%), di dân từ Bồ Đào Nha (12,7%), Pháp (5,6%), Serbia (5,3%), Thổ Nhĩ Kỳ (3,8%), Tây Ban Nha (3,7%), và Áo (2%). Di dân Sri Lanka với hầu hết là người tị nạn Tamil là nhóm lớn nhất trong những người gốc Á.[136]

Ngoài ra, số liệu từ năm 2012 cho thấy 34,7% dân số thường trú từ 15 tuổi trở lên tại Thụy Sĩ (tức khoảng 2,33 triệu người) có một xuất thân nhập cư. Một phần ba trong số đó (853.000) giữ quyền công dân Thụy Sĩ. Bốn phần năm số người có một xuất thân nhập cư là người nhập cư; còn một phần năm sinh tại Thụy Sĩ.[137]

Trong thập niên 2000, các tổ chức nội địa và quốc tế bày tỏ lo ngại về điều được nhìn nhận là gia tăng bài ngoại, đặc biệt là trong một số chiến dịch chính trị. Phản ứng trước một báo cáo phê phán, Hội đồng Liên bang lưu ý rằng "chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đáng tiếc là hiện diện tại Thụy Sĩ", song phát biểu rằng tỷ lệ cao công dân ngoại quốc tại đây, cũng như việc người ngoại quốc hội nhập nhìn chung là không có vấn đề cho thấy sự cởi mở của Thụy Sĩ.[138]

Ngôn ngữ

Phân bổ ngôn ngữ tại Thụy Sĩ (2017):
  Tiếng Đức (63,5%)
  Tiếng Pháp (22,5%)
  Tiếng Ý (8,1%)
  Tiếng Romansh (0,5%)

Thụy Sĩ có bốn ngôn ngữ chính thức: Tiếng Đức chiếm đa số (63,3% dân số nói vào năm 2014); tiếng Pháp (22,7%) tại miền tây; và tiếng Ý (8,1%) tại miền nam.[139] Ngôn ngữ thứ tư là tiếng Romansh (0,5%), đây là một ngôn ngữ thuộc hệ Latinh và được nói ở quy mô địa phương tại bang Graubünden thuộc miền đông nam. Tuy nhiên, pháp luật liên bang và các đạo luật chính thức khác không cần thiết được ban hành bằng tiếng Romansh.

Năm 2013, các ngôn ngữ được nói nhiều nhất tại nhà trong số cư dân thường trú từ 15 tuổi trở lên là tiếng Đức-Thụy Sĩ (60,1%), tiếng Pháp (23,4%), tiếng Đức tiêu chuẩn (10,1%), và tiếng Ý (8,4%). Trên hai phần năm (42,6%) cư dân thường trú biểu thị thường xuyên nói hơn một ngôn ngữ. Các ngôn ngữ khác được nói tại nhà gồm có tiếng Anh (4,6%), tiếng Bồ Đào Nha (3,5%), tiếng Albania (2.6%), tiếng Serbia và Croatia (2,5%), tiếng Tây Ban Nha (2,2%), và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (1,3%).[139]

Chính phủ liên bang có nghĩa vụ giao thiệp bằng các ngôn ngữ chính thức, và trong nghị viện liên bang các bản dịch đồng thời được cung cấp giữa tiếng Đức, Pháp và Ý.[140]

Ngoài dạng chính thức, bốn khu vực ngôn ngữ của Thụy Sĩ cũng có dạng phương ngữ của mình. Vai trò của phương ngữ trong mỗi khu vực ngôn ngữ khác biệt đáng kể: Tại các khu vực nói tiếng Đức, tiếng Đức-Thụy Sĩ ngày càng trở nên thịnh hành hơn kể từ nửa cuối thế kỷ XX, đặc biệt là trong truyền thông, và được sử dụng làm ngôn ngữ thường nhật, trong khi giao thiệp bằng văn bản hầu như luôn sử dụng dạng tiếng Đức tiêu chuẩn của Thụy Sĩ.[141] Tương phản, tại các khu vực nói tiếng Pháp, phương ngữ bản địa hầu như đã biến mất, trong khi các phương ngữ tại các khu vực nói tiếng Ý hầu như bị hạn chế trong bối cảnh gia đình và đàm thoại bình thường.[141]

Học một trong các ngôn ngữ quốc gia khác tại trường học là điều bắt buộc đối với toàn bộ học sinh Thụy Sĩ, do đó nhiều người Thụy Sĩ được giả định ít nhất là song ngữ, đặc biệt là những người thuộc các nhóm thiểu số ngôn ngữ.[142]

Y tế

Toàn thể công dân Thụy Sĩ được yêu cầu mua bảo hiểm y tế từ các công ty bảo hiểm tư nhân, ngược lại các công ty được yêu cầu chấp nhận bất kỳ người nào nộp đơn. Chi phí của hệ thống y tế Thụy Sĩ nằm vào hàng cao nhất, song có kết quả tốt so với các quốc gia châu Âu khác; các bệnh nhân là công dân Thụy Sĩ được báo cáo nhìn chung là hài lòng cao độ với hệ thống.[143][144][145] Năm 2012, tuổi thọ dự tính khi sinh là 80,4 đối với nam giới và 84,7 đối với nữ giới[146] — là con số cao nhất thế giới.[147][148] Chi tiêu vào y tế đặc biệt cao với 11,4% GDP (2010), song ngang hàng với Đức và Pháp (11,6%) cùng các quốc gia châu Âu khác, và thấp hơn đáng kể chi tiêu tại Hoa Kỳ (17,6%).[149] Từ năm 1990, ghi nhận được có tình trạng tăng dần chi phí, phản ánh chi phí cao của các dịch vụ được cung ứng.[150] Do dân số đang lão hóa và các kỹ thuật y tế mới, chi tiêu cho y tế dường như sẽ tiếp tục tăng lên.[150]

Đô thị hóa

Từ hai phần ba đến ba phần tư dân số cư trú tại các khu vực đô thị.[151][152] Thụy Sĩ biến đổi từ một quốc gia phần lớn cư dân sống tại nông thôn sang một quốc gia phần lớn cư dân sống tại đô thị trong vòng 70 năm. Tình trạng mở rộng đô thị này không chỉ tác động đến cao nguyên Thụy Sĩ mà còn đến dãy Jura và chân núi Alpes[153] và có lo ngại gia tăng về sử dụng đất.[154] Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI, tăng trưởng dân số tại khu vực đô thị cao hơn tại khu vực nông thôn.[152]

Thụy Sĩ có một mạng lưới thành phố dày đặc, có các thành phố cỡ lớn, vừa và nhỏ bổ khuyết cho nhau.[152] Cao nguyên Thụy Sĩ có mật độ dân số rất cao với khoảng 450 người/km² và cảnh quan liên tục biểu thị dấu hiệu con người hiện diện.[155] Sức nặng của các đại đô thị là Zürich, GenèveLausanne, BaselBern có xu hướng gia tăng.[152] Theo so sánh quốc tế, tầm quan trọng của các khu vực đô thị này mạnh hơn so với số lượng cư dân của chúng.[152] Ngoài ra, hai trung tâm chính là Zürich và Genève được công nhận có chất lượng sinh hoạt đặc biệt cao.[156]

Tôn giáo

Tôn giáo (trên 15 tuổi) tại Thụy Sĩ – 2014[157]
Tôn giáoPhần trăm
Công giáo La Mã
  
38.0%
Cải cách Thụy Sĩ
  
26.0%
Chính thống giáo Đông phương
  
2.2%
Phúc Âm
  
1.7%
Giáo hội Luther
  
1.0%
Anh giáo
  
0.1%
Cơ Đốc giáo khác
  
2.5%
Hồi giáo
  
5.0%
Phật giáo
  
0.5%
Ấn Độ giáo
  
0.5%
Do Thái giáo
  
0.2%
phi Cơ Đốc khác
  
0.3%
Không liên kết
  
22.0%

Thụy Sĩ không có quốc giáo, song hầu hết các bang (ngoại trừ GenèveNeuchâtel) công nhận các giáo hội chính thức, là Giáo hội Công giáo La Mã hoặc Giáo hội Cải cách Thụy Sĩ. Các giáo hội này, và tại một số bang còn có các giáo đoàn Công giáo Cổ và Do Thái giáo, được tài trợ bằng thuế chính thức từ các tín đồ.[158]

Cơ Đốc giáo là tôn giáo chủ yếu của Thụy Sĩ (khoảng 71% cư dân[159] và 75% công dân Thụy Sĩ[160]), bị phân chia giữa Công giáo La Mã (38,21% dân số), Giáo hội Cải cách Thụy Sĩ (26,93%), các giáo hội Tin Lành khác (2,89%) và các giáo phái Cơ Đốc khác (2,79%). Gần đây có sự nổi lên của phái Phúc Âm.[161] Sự nhập cư lập nên các cộng đồng tôn giáo thiểu số đáng kể, như Hồi giáo (4,95%) và Chính thống giáo Đông phương (khoảng 2%).[159] Theo một trưng cầu vào năm 2015 của Gallup International, 12% dân chúng Thụy Sĩ tự xác định là "người vô thần xác tín."[162]

Theo điều tra nhân khẩu năm 2000, các cộng đồng thiểu số Cơ Đốc khác gồm có Tân Mộ đạo (Pietism) (0,44%), Ngũ Tuần (0,28%), Giám Lý (0.13%), Tân Tông đồ (0,45%), Nhân Chứng Giê-hô-va (0,28%), giáo phái Tin Lành khác (0,20%), Công giáo Cổ (0,18%), các giáo phái Cơ Đốc khác (0,20%). Các tôn giáo phi Cơ Đốc là Ấn Độ giáo (0,38%), Phật giáo (0,29%), Do Thái giáo (0,25%) và khác (0,11%); 4,3% không tuyên bố. 21,4% vào năm 2012 tự tuyên bố là không giáo phái, tức không liên kết với bất kỳ giáo hội hoặc cơ cấu tôn giáo nào.[159][163]

Quốc gia có lịch sử cân bằng ngang nhau giữa Công giáo và Tin Lành, có sự đan xen phức tạp về phái chiếm đa số tại hầu hết lãnh thổ. Genève cải sang Tin Lành vào năm 1536, ngay trước khi John Calvin đến đó. Nơi này được quốc tế gọi là "Roma Tin Lành" do là căn cứ của nhiều nhà cải cách như Theodore Beza hay William Farel. Zürich trở thành một thành trì Tin Lành khác khoảng cùng thời điểm, khi Huldrych ZwingliHeinrich Bullinger nắm quyền lãnh đạo tại đó. Có một bang là Appenzell bị phân chia chính thức giữa các phái Công giáo và Tin Lành vào năm 1597. Các thành phố lớn và bang mà chúng thuộc về (Bern, Genève, Lausanne, Zürich và Basel) là nơi Tin Lành chiếm ưu thế. Trung Thụy Sĩ cùng với Valais, Ticino, Appenzell Innerrhodes,JuraFribourg có truyền thống Công giáo. Hiến pháp Thụy Sĩ 1848 do ảnh hưởng từ xung đột giữa các bang Công giáo và Tin Lành đương thời nên cố ý xác định một tình trạng hiệp thương, cho phép Công giáo và Tin Lành cùng tồn tại hòa bình. Một sáng kiến vào năm 1980 kêu gọi hoàn toàn tách biệt giáo hội và nhà nước đã bị 78,9% cử tri bác bỏ.[164] Một số bang và thành phố có truyền thống Tin Lành ngày nay có một đa số nhỏ Công giáo, không phải vì phái này có tín đồ tăng lên, mà chỉ là vì từ khoảng năm 1970 có sự gia tăng dần lượng người không liên kết với bất kỳ giáo hội hoặc cơ cấu tôn giáo khác, đặc biệt là tại các khu vực truyền thống Tin Lành như thành phố Basel (42%), bang Neuchâtel (38%), bang Genève (35%), bang Vaud (26%), hay thành phố Zürich (>25%%).[165]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thụy_Sĩ http://www.anna.aero/european-airport-traffic-tren... http://www.winebiz.com.au/statistics/world.asp http://www.cp-pc.ca/english/switzerland/ http://www.about.ch/ http://www.are.admin.ch/dokumentation/00121/00224/... http://www.bag.admin.ch/themen/krankenversicherung... http://www.bar.admin.ch/archivgut/00591/00601/0060... http://www.bfe.admin.ch/forschungnetze/01223/index... http://www.pxweb.bfs.admin.ch/Dialog/varval.asp?ma... http://www.bfs.admin.ch/bfs/portal/de/index/news/0...